Giỏ hàng

TẠI SAO AN TOÀN TÂM LÝ TẠI NƠI LÀM VIỆC LẠI QUAN TRỌNG?

Bạn nghĩ nơi làm việc của bạn an toàn về mặt tâm lý tới mức nào? Bạn nghĩ gì khi nhân viên mắc sai lầm? Quan điểm của bạn về một nhân viên hay bày tỏ ý kiến của họ là gì? Bạn có thực sự lắng nghe nhân viên của bạn không hay bạn thường xuyên bỏ qua những ý kiến của họ?
Tất cả những điều này và nhiều hơn nữa có liên quan đến văn hóa doanh nghiệp và mức độ an toàn tâm lý mà nhân viên cảm thấy khi họ đang làm việc. Một điều đang ngày càng trở nên rõ rệt là khi không có sự an toàn tâm lý ở nơi làm việc, nhân viên khó có thể làm việc tốt được.
Mức độ an toàn tâm lý mà nhân viên cảm thấy khi họ đang làm việc có ý nghĩa đối với sự đổi mới, tương tác nhóm, năng suất và cuối cùng là thành công của doanh nghiệp.
Dominic Monkhouse, một khai vấn viên doanh nghiệp toàn cầu, nói: 'An toàn tâm lý là điều bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp đang phát triển. Với tư cách là giám đốc điều hành của ba doanh nghiệp phát triển nhanh, tôi đã nhận thấy tác động của an toàn tâm lý. Tôi không có chút nghi ngờ nào rằng đó là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thành công.'
 

 An Toàn Tâm Lý Là Gì?

Khái niệm về an toàn tâm lý tại nơi làm việc được xác định lần đầu tiên bởi nhà khoa học hành vi tổ chức, Amy Edmondson, vào năm 1999 trong bài viết của bà có tên: 'An toàn tâm lý và hành vi học hỏi trong các đội nhóm tại nơi làm việc' (Psychological safety and learning behavior in work teams). Nghiên cứu của bà cho thấy rằng các công ty có môi trường làm việc với mức độ tín nhiệm cao có hiệu suất cao hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Curt Nickisch của HBR, bà chia sẻ về sự an toàn tâm lý: 'Thuật ngữ này ngụ ý cho mọi người về cảm giác ấm áp và thuật ngữ này không chỉ bao hàm ý nghĩa đó. Nó liên quan đến sự thẳng thắn, trực tiếp, chấp nhận rủi ro, có thể sẵn sàng chia sẻ.” Khi bạn nói: “Tôi đã làm hỏng hết cả rồi." Nó cũng có nghĩa là bạn có thể sẵn sàng yêu cầu giúp đỡ khi bạn đang gặp khó khăn.
Cảm thấy an toàn và có thể làm việc mà không sợ những hậu quả tiêu cực, ngay cả khi bạn mắc lỗi. Điều này cần dựa trên cảm giác an toàn về mặt tâm lý. Nó có nghĩa là mọi người có thể thoải mái là chính họ. Một môi trường làm việc an toàn về mặt tâm lý tôn trọng sự đa dạng và khuyến khích việc chấp nhận rủi ro cá nhân. Trên hết, các thành viên trong nhóm tôn trọng lẫn nhau và cảm thấy được chấp nhận. Cảm giác đó giống như việc bạn phải thực hiện một bước nhảy vọt nhưng cũng biết rằng sẽ có người đỡ lấy bạn nếu bạn rơi.
 

Tầm Quan Trọng Của An Toàn Tâm Lý

Các hành vi sỉ nhục, đổ lỗi, phê bình và bắt nạt sẽ tạo ra một môi trường làm việc tràn ngập nỗi sợ hãi với nhân viên. Loại môi trường không an toàn về mặt tâm lý này sẽ không thể tận dụng thế mạnh của mọi người một cách tốt nhất. Nhân viên phải lo cho chính họ và quá sợ sai để có thể đưa ra những ý tưởng mới lạ và hỗ trợ lẫn nhau. Họ không dám chia sẻ ý kiến vì sợ bị gạt bỏ.
Khi chúng ta cảm thấy không được tin tưởng, tôn trọng hoặc phải trải qua những mâu thuẫn và xung đột tại nơi làm việc, chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng. Khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, não của chúng ta sản sinh ra hormone để hỗ trợ phản ứng thực hiện hoặc chạy trốn. Việc phải liên tục ở trong trạng thái đó sẽ gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Tình trạng này cũng có tác động tiêu cực đến khả năng suy nghĩ logic. Nó làm ức chế khả năng sáng tạo và tinh thần đồng đội, và điều đó không tốt cho sự phát triển doanh nghiệp.
Một nơi làm việc an toàn về mặt tâm lý sẽ mang đến những trải nghiệm tốt. Trong một môi trường mà mọi người được khuyến khích lắng nghe quan điểm của nhau, hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của nhau, hỗ trợ lẫn nhau và cảm thấy tự tin để đưa ra những gợi ý và đưa ra ý tưởng, đội nhóm mới có thể phát triển. Nhân viên có thể mắc sai lầm (một điều cần thiết cho sự đổi mới) để suy ngẫm và học hỏi từ đó.
Có lẽ nghiên cứu hỗ trợ tầm quan trọng của an toàn tâm lý tại nơi làm việc lớn nhất là dự án Aristotle của Google, tập trung vào cách xây dựng đội nhóm hoàn hảo. Nghiên cứu này đã xem xét các nghiên cứu khác trong nửa thế kỷ về cách các nhóm làm việc và xem xét hàng trăm đội nhóm của Google để tìm hiểu lý do tại sao một số đội nhóm phát triển vượt bậc và một số khác lại thất bại.
Nhận biết được xu hướng dẫn đến thành công đã khá khó khăn, bởi vì không phải tất cả các đội thành công đều có cùng một cách hành xử. Cuối cùng, nghiên cứu sâu rộng cho thấy các định mức cụ thể, chẳng hạn như các mục tiêu rõ ràng, văn hóa doanh nghiệp và độ tín nhiệm cao, rất quan trọng đối với thành công của đội. Trên hết, người ta đã tìm thấy rằng an toàn tâm lý là rất quan trọng để một nhóm làm việc hiệu quả.

 

Thúc Đẩy An Toàn Tâm Lý Tại Nơi Làm Việc

Thiết lập một môi trường an toàn tâm lý không phải điều dễ dàng. Việc xây dựng một nền tảng văn hóa doanh nghiệp đáng tin cậy đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cố gắng. Dưới đây là bốn cách đơn giản để bắt đầu xây dựng một nơi làm việc an toàn hơn về mặt tâm lý:
 
- Khuyến khích sự thẳng thắn triệt để. Đây là một triết lý quản lý mới dựa trên hai cách tiếp cận - quan tâm cá nhân và thách thức trực tiếp. Mô hình “thẳng thắn triệt để” được áp dụng để hướng dẫn các cuộc hội thoại, tránh được các hành vi gây hại cho các đội.
- Thúc đẩy sự tôn trọng. Mọi người không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, nhưng thảo luận rất quan trọng trong kinh doanh. Khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giúp cải thiện giao tiếp và giảm xung đột công việc và căng thẳng. Giảm tính nhỏ nhen tại nơi làm việc và khuyến khích sự tôn trọng sẽ giúp xây dựng sự an toàn tâm lý. Cách tốt nhất để thúc đẩy sự tôn trọng tại nơi làm việc là đừng huênh hoang về những gì mà mình không làm được.
- Khuyến khích sự tò mò. Một phần của an toàn tâm lý là có thể thể hiện bản thân. Việc khuyến khích nhân viên tò mò và đặt câu hỏi tạo điều kiện cho quá trình học hỏi. Tò mò là rất quan trọng đối với hiệu suất kinh doanh. Hãy yêu cầu phản hồi từ nhân viên và khuyến khích họ đặt câu hỏi. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi: 'Chúng ta có thể làm gì tốt hơn?'
- Chia sẻ ý tưởng và sai lầm. Không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ như theo kế hoạch và phạm sai lầm không có nghĩa là bạn là một thất bại. Những sai lầm mang lại những bài học hữu ích và thường là nguồn gốc của những đổi mới lớn trong kinh doanh. Trong môi trường an toàn tâm lý, nhân viên cảm thấy họ có thể phạm sai lầm và sẽ không bị trừng phạt vì nó.
 

Lời Kết


Một người quản lý thúc đẩy sự an toàn tâm lý sẽ luôn nêu các vấn đề, như các sự thật quan sát được, với ngôn ngữ trung lập và tương tác với nhóm để tìm hiểu vấn đề, tìm kiếm giải pháp và hỗ trợ. Hãy khuyến khích nhóm của bạn chia sẻ, thảo luận về các vấn đề, các sai lầm, thất bại và yêu cầu sự giúp đỡ.
 
Nguồn: Here’s Why Psychological Safety in the Workplace Is Important – And How to Foster It. Psychreg (2019).
 
+Đặt lịch khám